Bài: BẦU CỬ
Câu 1: Theo quy định của pháp luật hiện hành, ứng cử viên trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội có quyền tổ chức vận động tranh cử ?
Trả lời: Sai.
Theo Điều 65 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định về hình thức vận động bầu cử như sau:
“ Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:
1. Gặp gỡ, tiếp xức cử tri tại hội nghị tiếp xức cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 của Luật này.
2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 67 của Luật này”.
Như vậy, người ứng cử đại biểu Quốc hội không được quyền tự tổ chức vận động tranh cử mà phải thực hiện theo quy định của Luật định.
Câu 2: Theo quy định của pháp luật hiện hành, cử tri không thể thực hiện quyền bỏ phiếu tại nơi đăng ký tạm trú của họ ?
Trả lời: Sai.
Theo quy định tại Điều 27, Chương 2, Hiến pháp 2013 quy định về quyền Bầu cử của công dân.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015: “ Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân”.
Ngoài ra, tại Điều 34 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 cũng quy định: Bỏ phiếu ở nơi khác.
Như vậy, Theo quy định của pháp luật hiện hành, cử tri có thể thực hiện quyền bỏ phiếu tại nơi đăng ký tạm trú của họ giúp cho các công nhân, người đi làm xa nhà có thể thực hiện quyền của mình.
Câu 3: Theo quy định của pháp luật hiện hành, mọi khiếu nại trong hoạt động bầu cử điều do cơ quan hành chính giải quyết ?
Trả lời: Sai.
1. Mọi khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu QH: Theo quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng bầu cử Quốc gia tại khoản 9, Điều 15, Chương III Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định : “ Giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử đại biểu QH; chuyển giao hồ sơ, khiếu nại, tố cáo liên quan đến những người trúng cử đại biểu QH cho UB thường vụ QH”
2. Mọi khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu HĐND các cấp:
- Theo quy định trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban bầu cử tại điểm h, khoản 1, Điều 23, Mục 2, Chương III Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định: “ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu QH của Ban bầu cử đại biểu QH, tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu QH do Ban bầu cử đại biểu QH, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu QH”.
- Theo quy định trách nhiệm, quyền hạn của Ban bầu cử tại điểm e, khoản 3, Điều 24, Mục 2, Chương III Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định: “ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu QH; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu HĐND”
- Theo quy định trách nhiệm, quyền hạn của Tổ bầu cử tại điểm e, khoản 2, Điều 25, Mục 2, Chương III Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định: “Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử quy định tại Điều này; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu QH, người ứng cử đại biểu HĐND, khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổ bầu cử”
3. Mọi khiếu nại, tố cáo về danh sách cử tri: Được quy định tại Điều 33, Chương IV Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015.
4. Mọi khiếu nại, tố cáo về ứng cử: Được quy định tại Điều 61, Chương V Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015.
5. Mọi khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu: Được quy định tại Điều 75, Chương VIII Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015.
Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành, mọi khiếu nại trong hoạt động bầu cử không do cơ quan hành chính giải quyết.
Câu 4: Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong cuộc bầu cử lại, ứng cử viên nào được nhiều phiếu hơn là người trúng cử ?
Trả lời: Sai.
Theo Điều 80, Mục 3, Chương 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định về Bầu cử lại.
Nguyên tắc xác định người trúng cử là phải đảm bảo tỷ lệ phiếu bầu chọn trên 50% phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn.
Ví dụ: Có 100 cử tri trong danh sách bầu cử. Chỉ có 51 cử tri đi bầu và có 10 phiếu bầu không hợp lệ thì tỷ lệ phiếu bầu chọn lúc này là 21%.
Trường hợp có 2 người cùng tỷ lệ phiếu bầu chọn thì ưu tiên chọn người lớn tuổi (theo ngày, tháng, năm sinh) vì xuất phát từ nguyên nhân cần tuyển chọn người chính chắn, cẩn trọng vào trong cơ quan đại diện dân cử.
Câu 5: Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong cuộc bầu cử lần đầu nếu số người trúng cử không đủ so với quy định thì sẽ tiến hành bầu bổ sung đại biểu ?
Trả lời: Sai.
Theo quy định tại Điều 79, Mục 3, Chương 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015 quy định về Bầu cử thêm.
Theo như câu hỏi thì đó là Bầu cử thêm: Bầu cử thêm là bầu cử đại biểu QH hoặc HĐND còn thiếu trong cuộc bầu cử đầu tiên. Thời gian bần cử thêm là sau ngày bỏ phiếu và trước kỳ họp đầu tiên của QH hoặc HĐND.
Như vậy, trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu QH hoặc đại biểu HĐND chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử theo quy định thì đơn vị tổ chức báo cáo cho đơn vị tổ chức bầu cử cấp trên để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó. Ngày bầu cử thêm được tiến hành chậm nhất là sau 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu thêm lần thứ hai.
Câu 6: Theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị tạm giam, tạm giữ thì không được ghi tên vào danh sách cử tri ?
Trả lời: Sai.
Theo quy định tại Điều 27, Chương 2 Hiến pháp 2013: “ Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử ...”
Theo quy định tại khoản 5, Điều 29, Chương IV Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25/6/2015: “ Cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ, người chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dụ bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri.