Diễn đàn Luật Vinh
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn đàn Luật VinhĐăng Nhập

Diễn đàn Luật Vinh, nơi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học tập, việc làm, đời sống sinh viên khoa Luật - Đại học Vinh


descriptionTrao đổi thảo luận: Các đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật, phân tích EmptyTrao đổi thảo luận: Các đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật, phân tích

more_horiz

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo một thủ tục và hình thức nhất định có chứa đựng những quy tắc xử sự chung nhằm điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định và được áp dụng nhiều lần trong thực tế đời sống


Trao đổi thảo luận: Các đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật, phân tích 2pq5gts

- Thứ nhất, văn bản pháp luật được xác lập bằng ngôn ngữ viết. Trong hoạt động quản lý nhà nước, để đạt được hiệu quả quản lý cao thì việc ban hành văn bản pháp luật được xác lập bằng ngôn ngữ viết là lựa chọn tối ưu nhất, đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng yêu cầu phải có những quy định cụ thể chi tiết về nội dung. Cách thức này giúp cho chủ thể quản lý thể hiện được một cách đầy đủ, mạch lạc toàn bộ ý chí của mình về các vấn đề phát sinh trong quản lý Nhà nước. Cách thức thể hiện này giúp cho việc chuyển tải tiếp cận, khai thác, lưu trữ thông tin để phục vụ hoạt động quản lý. Ngoài ra còn sử dụng những hình thức khác như: ngôn ngữ nói, hành động…

- Thứ hai, văn bản pháp luật được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền. Thẩm quyền ban hành văn bản là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết văn bản pháp luật. Mỗi cơ quan khác nhau. ở các cấp chính quyền khác nhau có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và chỉ được thực hiện hoạt động quản lý nhà nước ở một giới hạn, phạm vi nhất định. Giới hạn, phạm vi đó chính là thẩm quyền mà pháp luật quy định cho mỗi cơ quan. Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước chỉ được ban hành văn bản pháp luật trong phạm vi, lĩnh vực do mình quản lý mà pháp luật quy định.
  Ngoài ra, pháp luật còn quy định cho một số chủ thể khác cũng có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật như: người đứng đầu các cơ quan nhà nước, thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc các cơ quan nhà nước và một số công chức khác của cơ quan nhà nước Ngoài ra, tổ chức xã hội hoặc cá nhân được ủy quyền quản lý nhà nước đối với một số việc cụ thể cũng có quyền ban hành một số văn bản áp dụng pháp luật.

- Thứ ba, văn bản pháp luật có nội dung là ý chí của chủ thể ban hành nhằm đạt được mục tiêu quản lý. Ý chí của chủ thể ban hành được thể hiện thành nội dung của văn bản pháp luật. Do là ý chí của chủ thể ban hành nên nội dung của văn bản pháp luật được xác lập một cách đơn phương từ nhận thức chủ quan của cán bộ công chức nhà nước. Tuy nhiên ý chí đó không phải được xác lập một cách tùy tiện mà phải dựa trên quy định của pháp luật hiện hành và tham khảo những tâm tư, nguyện vọng của những đối tượng liên quan trực tiếp tới nội dung văn bản, đặc biệt là của nhân dân lao động.

- Thứ tư, văn bản pháp luật có hình thức do pháp luật quy định. Hình thức văn bản pháp luật bao gồm hai yếu tố cấu thành là tên gọi và thể thức của văn bản.
  Về tên gọi, hiện nay pháp luật quy định rất nhiều loại văn bản pháp luật có tên gọi khác nhau như: hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư, bản án, công văn, công điện..., quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân biệt các văn bản khác nhau trong cùng một hệ thống. Đồng thời, pháp luật cũng quy định về thẩm quyền ban hành và trường hợp sử dụng các văn bản này trong quá trình quản lý.
  Về thể thức. Văn bản pháp luật phải tuân thủ cách thức trình bày theo một kết cấu, khuôn mẫu mà pháp luật quy định đối với từng loại văn bản khác nhau, nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung văn bản, đảm bảo được sự thống nhất cho toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật, cũng như trong hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước.

- Thứ năm, văn bản pháp luật được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Pháp luật hiện hành quy định về thủ tục ban hành đối với mỗi loại văn bản pháp luật cụ thể. Thủ tục ban hành các văn bản pháp luật được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính…Các quy định này nhìn chung đều bao gồm các hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ có vai trò trợ giúp cho các chủ thể trong quá trình soạn thảo, ban hành cũng như trong việc phối hợp, kiểm tra, giám sát của những cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động ban hành văn bản pháp luật, nhằm tránh sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm của chủ thể quản lý nhà nước.

- Thứ sáu, văn bản pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện. Để đảm bảo thực hiện các văn bản pháp luật trên thực tế, Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là biện pháp cưỡng chế. Nếu các tổ chức cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung của văn bản pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trước nhà nước. Ngược lại, nếu như đối tượng liên quan thực hiện tốt thì có thể được nhà nước khích lệ về tinh thần hoặc vật chất.

Nguồn: Văn Thoáng

Tài liệu tham khảo:
- Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật - Nhà xuất bản công an nhân dân 2013;
- Tự liệu tham khảo trực tuyến của Công ty Luật Đương Gia (luatduonggia.vn);
- Một số tư liệu khác từ các trang mạng xã hội chia sẻ.
privacy_tip Permissions in this forum:
Bạn được quyền trả lời bài viết
replyTrả lời chủ đề này